Tin Nhanh

Ẩm Thực

Phong Thủy

Truyện Hay

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Đừng bỏ lỡ cơ hội đổi mới căn cơ nền hành chính, công vụ

Tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, QH đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương – hai dự luật cuối cùng trong hệ thống luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TRẦN ĐÌNH NHÃ cho rằng, hai dự án Luật này là cơ hội để đổi mới căn cơ nền hành chính công vụ. Tại sao, cùng một việc nhưng ở các nước chỉ cần 1 - 2 người làm, còn ở ta cần hàng chục người mà hiệu quả vẫn không bằng? Phải trả lời thấu đáo câu hỏi này để tìm ra phương án tổ chức bộ máy, quy trình vận hành nền hành chính vừa tinh gọn vừa hiệu quả.
- Hiện nay, các ĐBQH đang tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII. Tại nơi ứng cử của Phó chủ nhiệm, cử tri đánh giá như thế nào về Kỳ họp này?
- Tại các điểm tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp và đồng thuận với các kết quả mà QH đã đạt được trong Kỳ họp. Đây là Kỳ họp có thời gian làm việc dài hơn so với thường lệ và có khối lượng công việc rất lớn. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới và trách nhiệm, QH đã xem xét, thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến với 12 luật. Các luật, nghị quyết này đều tập trung thi hành Hiến pháp mới. Cử tri cho rằng, các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này sẽ góp phần quan trọng đưa các quy định của Hiến pháp vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Tuy nhiên, cử tri cũng băn khoăn về chất lượng một số luật được thông qua tại Kỳ họp này với tỷ lệ rất thấp, ví dụ như Luật Giáo dục nghề nghiệp, chỉ có hơn 50% tổng số ĐBQH biểu quyết thông qua. Đây là vấn đề cần phải nghiêm túc đánh giá lại. Song, tôi cho rằng, cũng không nên quá nặng nề việc này. Thực tế, ĐBQH không đồng tình với một điều khoản của luật cũng sẽ không đồng tình thông qua cả dự án luật. Những con số ĐBQH biểu quyết tán thành thấp hơn so với thường thấy tại các Kỳ họp trước cũng thể hiện, ĐBQH ngày càng có chính kiến rõ ràng, không vì sự cả nể hay ngại con số không đẹp hoặc theo phong trào mà biểu quyết, trái với suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng mà cử tri đã gửi gắm.
Cá nhân tôi cho rằng, mỗi dự án luật trình QH xem xét, thông qua đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong những kỳ họp gần đây, một số dự án luật đã phải kéo dài thời gian thảo luận do có nhiều ý kiến khác nhau như: Luật Đất đai (sửa đổi) phải kéo dài thời gian xem xét, thông qua trong 3 kỳ họp (theo chương trình là trong 2 kỳ họp), hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân được xem xét, thông qua trong 2 kỳ họp (theo chương trình là trong 1 kỳ họp)... Sau mỗi lần lấy ý kiến ĐBQH, các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra đã tham mưu cho UBTVQH giải trình về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Giải trình đi, giải trình lại nhiều lần nhưng những ĐBQH có chính kiến riêng vẫn chưa đồng tình. Không khí sinh hoạt dân chủ trong QH đã tạo điều kiện cho ĐBQH có thể mạnh dạn bảo lưu quan điểm của mình. Mặt khác, các quan điểm riêng của ĐBQH cũng được UBTVQH ghi nhận và nghiên cứu để chỉnh lý các dự án luật cho phù hợp. Vì thế, cử tri có thể tin tưởng là mỗi dự án luật đều được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, không bao giờ có sự xuôi chiều, dễ dãi.
- Tại Kỳ họp thứ Tám, QH cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Có lẽ vì cho ý kiến lần đầu nên 2 dự án Luật này vẫn còn quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo khiến ĐBQH không hài lòng. Với riêng Phó chủ nhiệm, hai dự án Luật này đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?
- Cũng cần thấy rằng, đây là hai dự án luật rất khó. Cách thức quản lý Nhà nước, sự phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương hiện nay đã được duy trì khá lâu, đã trở nên quen thuộc. Nếu thay đổi theo đúng tinh thần của Hiến pháp mới, sẽ có sự đụng chạm nhất định đến lợi ích của các bên liên quan.
Đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), cái khó không phải chỉ trong việc thể hiện quan hệ giữa Chính phủ với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị, mà còn khó ngay ở việc phân công trong nội bộ Chính phủ, giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ ngành và cấp dưới. Hiện nay, việc phân công, phân quyền và phân trách nhiệm chưa rõ ràng, rành mạch nên dễ thấy người nào trong bộ máy Nhà nước cũng tất bật, vất vả nhưng thực tế, hiệu quả làm việc chưa cao. Nhìn ra các nước thì thấy, nhiều nơi bộ, ngành, sở, vụ, cục rất ít, không có hoặc có rất ít cấp phó, nhưng bộ máy vẫn chạy đều và  hiệu quả công vụ rất cao. Tại sao, cùng một việc nhưng ở các nước chỉ cần 1 đến 2 người làm, còn ở nước ta cần hàng chục người làm mà hiệu quả lại vẫn không bằng? Câu hỏi này cần phải nghiêm túc nghiên cứu và trả lời cho thấu đáo để tìm ra phương án tổ chức bộ máy, quy trình vận hành nền công  vụ hiệu quả. Luật Tổ chức Chính phủ nói riêng, các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung phải hướng đến mục tiêu này, bộ máy phải tinh gọn nhưng hiệu quả công vụ phải cao - đừng nên phân bua, đổ lỗi cho cơ chế này, đặc thù kia.
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng gặp vấn đề tương tự. Thực tế, bộ máy cán bộ, công nhân viên chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách hiện nay là quá nhiều. Trong khi đó, một số vị trí có thể kiêm nhiệm được hoặc có thể tính toán để chuyển một số vị trí sang bán chuyên trách, hưởng phụ cấp như trước đây. Những kinh nghiệm quản lý nông thôn, thành thị trước kia, và kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới về phân cấp quản lý để bảo đảm một bộ máy Nhà nước gọn nhẹ có hiệu quả, hiệu lực đều rất đáng quý, cần được nghiên cứu, học tập và vận dụng. Ngoài ra, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng phải phân cấp rành mạch hơn thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã để việc đến cấp nào thì cấp đó được làm và phải làm. Dự thảo trình QH tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua vẫn quy định thẩm quyền chung chung, thậm chí chồng lấn với nhau. Với cách thức quy định như vậy, tôi e là khó có thể khắc phục được tình trạng hiện nay là không thể xác định rõ được trách nhiệm của ai, cấp nào.
- Hiến pháp năm 2013 quy định, Chính phủ là cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất và là cơ quan chấp hành của QH. Theo Phó chủ nhiệm, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã thể hiện được đầy đủ, rõ ràng các chức năng này của Chính phủ hay chưa?
Về cơ bản, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã thể hiện được 3 đặc điểm là: cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất và cơ quan chấp hành của QH. Nhưng sự phân định chức năng, trách nhiệm và tổ chức bộ máy như thế nào cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì chưa rõ. Nếu theo quy định của dự thảo Luật, tôi nghĩ không khéo lại phải thêm bộ, thêm cục, thêm sở mới. Ví dụ, nhiệm vụ quản lý biển - có nên thành lập một bộ riêng không khi mà biển còn rộng hơn đất liền và trên đó còn nhiều lĩnh vực chồng lấn? Với sự thống nhất quản lý của Chính phủ hiện nay, thì bộ nào cũng liên quan đến biển. Tài nguyên khoáng sản biển thì có Bộ Tài nguyên và Môi trường; vận tải biển thì có Bộ Giao thông – Vận tải; quốc phòng, an ninh hàng hải thì có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông – Vận tải.... Các Bộ quản lý trên bờ cũng sẽ quản lý lĩnh vực tương tự ở khu vực đảo. Thêm một bộ và theo đó là thêm các sở quản lý riêng biệt đối với biển đảo thì sẽ thực hiện những công việc nào? Chức năng có chồng lấn, có thay Chính phủ điều khiển những bộ ngành khác được không? Đó cũng là những vấn đề khiến nhiều ĐBQH băn khoăn.
Việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sau Kỳ họp thứ Tám phải cụ thể hóa và phân định rõ các thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng, của người đứng đầu các cơ quan thuộc Chính phủ. Tiếp đến là trong mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, phải thể hiện cho rõ việc phân công, phân quyền và phân định rõ trách nhiệm của từng cấp. Phải làm được điều này thì mới có thể xây dựng một nền hành chính hiện đại, một nền công vụ hiện đại. Việc QH sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một cơ hội để đặt nền tảng pháp lý cho việc đổi mới căn cơ nền hành chính, công vụ. Đừng bỏ lỡ cơ hội này.
- Hiến pháp năm 2013 bổ sung một nguyên tắc quan trọng về tổ chức bộ máy Nhà nước, đó là nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã thể hiện được nguyên tắc này chưa, thưa Phó chủ nhiệm?
Hiến pháp khẳng định quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã bổ sung Chương VI về quan hệ công tác của Chính phủ với các cơ quan khác trong tổ chức bộ máy Nhà nước để thể hiện việc kiểm soát quyền lực của Chính phủ đối với các cơ quan lập pháp, tư pháp. Tuy nhiên, các quy định này cần phải cân nhắc thận trọng vì không khéo sẽ mâu thuẫn với một số nguyên tắc hiến định khác như nguyên tắc QH là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, hay nguyên tắc tư pháp độc lập. Ví dụ, quy định Chính phủ đề nghị QH, UBTVQH chưa thông qua hoặc xin rút lại dự án luật, pháp lệnh nếu thấy không đủ điều kiện thực hiện hoặc chưa đủ điều kiện thực hiện, không bảo đảm tính khả thi. Hay quy định, Chính phủ có quyền kiến nghị xem xét lại kết luận giám sát của QH và các cơ quan của QH, được đề nghị xem xét lại các bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, xem xét lại kết luận, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân... Hiến pháp không quy định quyền kiến nghị xem xét lại bản án của Chính phủ. Thực tế rất khó xác định Chính phủ nhân danh ai để đề xuất xem xét lại bản án? Bản án đó nếu không liên quan đến lợi ích hay trách nhiệm của Chính phủ, thì Chính phủ không thể đứng ra đòi hỏi xem xét lại.
Nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong Hiến pháp khi cụ thể hóa vào các luật thì không thể hiểu đơn giản là Chính phủ có quyền giám sát ngược lại đối với QH hay các cơ quan tư pháp. Bởi QH được hiến định là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Chính phủ là cơ quan chấp hành của QH. Hiện nay, việc kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập pháp, cơ quan dân cử với cơ quan hành pháp, tư pháp đã được quy định khá rõ. QH, HĐND là đại diện cho cử tri, nhân dân cả nước. QH, HĐND đại diện cho nhân dân để giám sát các cơ quan khác. Còn các cơ quan tư pháp, hành pháp kiểm soát ngược trở lại đối với QH, HĐND các cấp như thế nào thì dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng chưa thể hiện rõ được. Tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, phải bàn cả về căn cứ pháp lý và thực tiễn việc kiểm soát, giám sát quyền lực vừa qua như thế nào để quy định cho hợp lý.

Phương Thủy thực hiện
daibieunhandan.vn

Đăng nhận xét

 

Copyright © by www.ngoinhaxinh.com.vn