Mùa mưa lũ lại về, những ngày này người dân cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu với biết bao sẻ chia và đồng cảm. Miền Trung – núm ruột thân yêu của Tổ Quốc hằng năm vẫn phải oằn mình chống chọi với thiên tai, người dân hằng năm cứ phải chịu nổi mất mát, đau thương.
Đất đai miền Trung khô cằn, sỏi đá, con người miền Trung lắm mộc mạc nhưng cũng rất chân phương, thế nên ẩm thực phản ánh đúng con người miền Trung không chỉ có cay đắng mà cũng thấm đượm cả những ngọt ngào. Từ lâu ẩm thực dải đất miền Trung nổi danh khắp các mọi miền đất nước bởi hương vị đậm đà mang nét rất riêng con người miền Trung.
Không chỉ có Mì Quảng, Bún Bò Huế đã quá nổi tiếng bởi được vinh danh trên toàn thế giới, ẩm thực miền Trung với sự đa dạng trong khẩu vị và phong phú về nguồn nguyên liệu đã cho ra đời những món ăn mà dù đi bất cứ nơi đâu, tinh hoa ẩm thực Miền Trung vẫn luôn được lưu giữ trong từng món ăn ấy.
1.Bún chả cá
Nhắc đến Bún Chả Cá chắc hẳn không ai cảm thấy xa lạ bởi món ăn đã trở nên quen thuộc với hầu hết tất cả mọi người. Buổi sáng của bạn sẽ trở nên ngon miệng hơn nếu được thưởng thức một tô bún chả cá. Có gì ngạc nhiên để bún chả cá được nhiều người yêu thích đến vậy? Này nhé: điều đặc biệt là nằm ở quy trình chế biến.
Trước tiên là nước dùng. Bún chả cá không nấu nước dùng từ xương heo mà nước được nấu từ xương cá tươi nên luôn tạo được vị ngọt tự nhiên, đậm đà và không tanh. Thứ hai là chả cá, đây là thành phần quan trọng và cũng dùng để đánh giá một tô bún chả cá có ngon hay không. Để có chả ngon, người ta phải lóc thịt cá, trộn với các gia vị khác như ớt, tiêu, tỏi, bột ngột, dầu ăn, thêm chút muối cho đậm đà cùng với da lợn rồi xay nhuyễn, sau đó khoấy cho đều tay. Hỗn hợp sau khi được đánh nhuyễn được chia thành những phần nhỏ cán dẹt thành hình tròn hay vo viên vừa ăn rồi được cho vào chảo dầu chiên giòn. Một phần còn lại được cho vào khuôn để hấp cách thủy thành chả cá hấp, khi ăn chỉ việc cắt ra thành từng miếng nhỏ. Điều thứ ba để tạo nên một tô bún chả cá hấp dẫn là gia vị và các loại rau sống ăn kèm. Thường bún chả cá ăn kèm với rau xà lách, bắp chuối xắt mỏng, giá và rau thơm. Hãy thử nhấm một miếng chả cá, húp chút nước dùng đảm bảo bạn sẽ ghiền cái vị ngọt ngon, thơm lừng của tô bún chả cá cho xem.
2.Bánh xèo
Miền Trung đang vào mùa mưa bão. Với những ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung thì chắc hẳn đều cho rằng không gì thú vị hơn trong những ngày mưa gió, khi cái lành lạnh rỉ rả vào da thịt mà được ngồi bên bếp lửa vừa hít hà hơi ấm, vừa nhâm nhi những chiếc bánh xèo mới ra lò, đảm bảo sẽ luôn là cảm giác rất tuyệt.
Nói đến bánh xèo, bây giờ ít ai còn nghĩ rằng đó là món đặc trưng của miền Trung, và không chừng, du khách sẽ nghĩ rằng đó là món ăn phổ thông của ba miền Việt Nam.
Bánh xèo miền Trung hấp dẫn thực khách không bởi vẻ ngoài và hình dáng to lớn mà bởi hương vị thơm ngon tỏa ra từ những chiếc bánh xèo nóng hổi. Chiếc bánh đơn giản với bột gạo, nhân tôm, thịt, giá đỗ…ăn kèm với rau sống luôn làm nức lòng các thực khách gần xa. Bánh xèo ngon không chỉ bởi hương vị mà còn bởi đc ăn kèm với nước chấm và rau sống. Nước mắm cũng được pha chua ngọt cho giảm đi độ mặn còn rau sống gồm cải non, chuối chát, khế, diếp cá, đọt xoài, rau húng, rau quế, xà lách và đặc biệt là bắp chuối thái nhỏ. Trong rau sống bánh xèo mà không có bắp chuối thái nhỏ thì vị ngon của nó giảm đi rất nhiều. Không quá ồn ảo và nổi tiếng như bánh xèo miền Trung vẫn giữ một vị trí rất riêng trong thú vui ẩm thực trên khắp mọi miền.
3. Bánh Tráng Thịt Heo
Miền Trung là dải đồng bằng chạy dọc ven biển vì vậy ẩm thực cũng khá phong phú và trải dài tùy theo vùng đất. Tuy nhiên vẫn có những món ăn mà nhắc đến hầu như nơi đâu cũng có và cũng quen thuộc. Nhưng hẳn nhiên nói đến Bánh Tráng Thịt Heo thì Đà Nẵng vẫn được nhắc đến nhiều hơn là được xem như cái nôi của món ăn này. Bánh Tráng Thịt Heo là kiểu cuốn thịt cùng rau sống, chấm mắm nêm rồi ăn ngay.
Nguyên liệu chính của món này tất nhiên là thịt heo. Thịt heo sau khi mua về rửa sạch rồi đem luộc trong nước sôi cho thêm ít muối, bột ngọt. Khi luộc thịt nhớ luộc đến độ vừa chín tới để giữ được độ ngọt của thịt mà không khiến thịt bị dai. Thịt luộc đạt yêu cầu phải có phần mỡ thật trong, phần nạc luôn giữ được màu hồng, mềm và thơm là đạt yêu cầu. Một đặc trưng không thể thiếu của món ăn này thu hút đông đảo thực khách đó là mắm nêm. Mắm nêm đòi hỏi phải thật đậm đà dậy lên hương vị cay từ ớt, tỏi cộng thêm vị chua chua của nước trái thơm. Vì thế mắm nêm khi mua về thường pha thêm đường, thơm băm nhuyễn, tỏi, ớt băm và pha thêm ít nước ấm cho giảm độ mặn để ăn vừa miệng hơn. Rau sống lựa chọn từ những lá tươi non của cải xanh, xà lách, húng, quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, giá, dưa leo, chuối chát…và tất nhiên không thế thiếu bắp chuối xắt mỏng và một ít rau muống chẻ. Khi thưởng thức, chúng ta sẽ trải bạn tráng lên lòng bàn tay, đặt rau sống trải đều theo chiều ngang của bánh, tiếp đến để miếng thịt lên cùng chiều rau rồi sau đó cuốn bánh thành cuộn tròn dài. Công việc tiếp theo là bạn chỉ cần chấm mắm nêm và đưa lên miệng thưởng thức nữa mà thôi.
4. Bê Thui Cầu Mống
Nhắc đến vùng đất Quảng Nam hẳn ai cũng ồ lên xuýt xoa với món bê thui Cầu Mống bởi nơi đây nức danh về món bê thui với những bí kíp mà chỉ con người và vùng đất đó mới tạo nên được hương vị thơm ngon cho món ăn này. Bê dùng để thui là loại bê chừng 25 - 30kg, phải biết cách giữ lửa thế nào cho vừa đủ để cả con bê chín đều. Thịt bê ngon phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm nhưng không khô, không dai và không có mùi khói. Bê thui được xắt thành từng lát mỏng, xếp đều đặn lên một dĩa tròn lớn, thường ăn kèm với bánh tráng, rau sống như kiểu ăn của bánh tráng thịt heo.
Mắm chấm cũng là thành phần quan trọng của món ăn này. Mắm chấm được lựa thật ngon, thường là mắm nêm pha đều với ớt, tỏi, chanh nhưng luôn mang đậm hương vị miền Trung bởi cách chế biến. Rau sống ăn kèm thường gồm nhiều loại rau như giá sống, bắp chuối, chuối chát, đu đủ ngâm, rau cần, khế chua, húng, tía tô, xà lách…Lấy một miếng bánh tráng mỏng cuốn với và lát bê thui, thêm rau sống, cuộn tròn chấm vào chén mắm nêm rồi thưởng thức thực khách sẽ cảm nhận đầy đủ vị chua chát, ngọt bùi xen lẫn mùi hăng nhẹ, đăng đắng mà thịt bê và các loai rau mang lại.
5. Cơm Gà
Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với Bê Thui Cầu Mống mà đặc sản Cơm Gà còn theo chân người dân đi đến khắp mọi miền đất nước. Và hẳn nói đến Cơm Gà ở Quảng Nam thì cơm gà Hội An và cơm gà Tam Kỳ được biết đến nhiều nhất.
Cơm gà Quảng Nam được chế biến chủ yếu từ hai thành phần chính là cơm và gà nhưng luôn mang đến cho thực khách những hương vị thơm ngon hấp dẫn khó quên tạo nên thương hiệu cho món ăn này.
Để tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn này thì gà được sử dụng là gà ta thả vườn bởi gà này con nhỏ nhưng thịt chắc, mềm, da mỏng, thịt thơm lại có vị ngọt đặc trưng. Gà sau khi được làm sạch thì đem luộc chín khoảng 15 phút sau đó vớt ra. Nước luộc gà được để dành để nấu cơm.
Gạo nấu cơm phải là loại gạo thơm, hạt không bị gãy. Gạo được vo thật sạch, để ráo nước rồi cho vào nấu với nước luộc gà cùng ít nghệ để tạo nên màu vàng tươi. Khi nấu cũng phải canh lửa và nước đến cơm chín vàng ươm, dẻo nhưng tơi chứ không dính vào nhau.
Khi ăn gà thường được xé phay hoặc trộn gỏi. Gà được rút xương, ăn kèm với rau răm, rau thơm, hành tím ngâm chua…và tất nhiên không thể thiếu chén muối ớt chanh hay chén nước mắm cay.
Tham khảo thêm địa chỉ phục vụ món tại:
TP HCM
6. Bánh Canh
Vùng đất Nam Trung Bộ với những bờ biển trải dài và những bãi tắm thơ mộng không chỉ có những món ăn tiêu biểu cho cả miền Trung mà còn có những món ăn đặc trưng rất riêng của khu vực. Nói đến đây chắc hẳn bạn đã thòm thèm hương vị của món bánh canh chả cá thơm ngon, hấp dẫn rồi đấy. Nổi tiếng với món bánh canh là bánh canh Nha Trang và bánh canh Phan Rang bởi những hương vị đặc trưng rất riêng luôn để lại ấn tượng trong lòng thực khách.
Bánh canh ở đây ngon đặc biệt nhờ nước dùng được nấu từ các loại cá biển nên ngọt đậm đà, chả cá cũng được quết từ cá tươi nên dai mịn, mềm và ngọt vị cá. Sợi bánh canh rời, màu trắng đục, trông giống cọng bún bò. Khi có khách đến, người bán sẽ lúc một tô bánh canh nghi ngút khói, bỏ vào một nhúm chả cá chiên đã cắt thành miếng nhỏ, cho vào một ít hành lá, củ hành ngâm chua ngọt và một ít hành phi. Thực khách chỉ cần vắt thêm một chút chanh, cho thêm chút mắm ớt tỏi rồi xì xà xì xụp húp. Vị ngọt của nước dùng, vị ngon của chả cùng cái nóng hổi thơm lừng đem đến cho bạn bữa ăn ngon miệng. Ngoài bánh canh chả cá còn có các loại bánh canh cá, giò heo…
7. Bánh Căn
Bên cạnh bánh canh, bánh căn không chỉ nổi danh nơi đây mà còn lan tận khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bánh căn có hình dáng tròn, gần giống với bánh khọt ở các tỉnh phía Nam.
Nguyên liệu chính để làm nên món bánh căn là bột gạo được pha chế theo một công thức đặc biệt. Gạo được đem ngâm nước cho mềm, rồi mới xay thành dạng bột lỏng. Bí quyết để có những chiếc bánh ngon, giòn, nở là khi pha bột làm bánh, người ta cho thêm một ít bột cơm nguội đã phơi khô qua nhiều nắng. Làm bánh căn, người ta cần phải dùng đến khuôn đúc đặc biệt, là loại khuôn được làm từ đất nung, và có 10 lỗ tròn đều trên bề mặt khuôn. Đặc biệt bánh nhất định phải làm trên bếp than hồng thì mới có được vị ngon đặc trưng của riêng nó.
Công đoạn đổ bánh thật đặc biệt đúng không nào?
Bắt tay vào công đoạn đổ bánh, trước tiên người ra sẽ đặt khuôn bánh lên những bếp than và đợi cho nó thật nóng. Tiếp theo sau đó, người đổ bánh sẽ dùng một cây que đầu có quấn bông nhúng vào dầu hay mỡ heo để thoa đều lên mặt khuôn, đợi cho dầu đã nóng thì mới bắt đầu cho từng thìa bột vào và cuối cùng là đến nhân bánh. Với cách làm này thì khi bánh chín, chúng ta có thể lấy bánh ra được dễ dàng hơn vì bánh sẽ không bị dính vào khuôn. Tùy vào thói quen ăn uống của từng vùng miền, cũng như của từng người ăn mà nhân bánh có thể là trứng, là thịt, hay là hải sản….
Nước chấm đi kèm theo thường là nước mắm pha loãng, có tỏi, ớt.... Khi ăn, bạn sẽ nhúng nguyên cái bánh vào chén nước chấm. Nước chấm có thể bỏ thêm xíu mại, mỡ hành để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng. Ngoài ra khi ăn, bánh căn còn được ăn kèm với khế chua, xoài... để đỡ đi cảm giác ngấy. Bánh căn phải ăn nóng, ngay khi bánh vừa được lấy ra khỏi khuôn thì mới cảm nhận được hết cái sự ngon lành của nó. Bánh căn có vị bùi của bột gạo, vị béo của trứng,... tất cả hoà quyện vào nhau tạo nên một cảm giác ngon miệng, thích thú.
8. Các loại bánh Huế: bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc
Huế nổi tiếng không chỉ là cố đô mà còn bởi nền ẩm thực phong phú trong đó phải kể đến các loại bánh Huế như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc…
Trước tiên là món bánh bèo. Hẳn ai cũng biết bánh bèo Huế đặc trưng bởi những chén nhỏ và cạn. Bánh bèo gồm có ba phần chính là bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn, và nước chấm, một hỗn hợp mà nước mắm là thành phần chính và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Vị nước chấm pha không được mặn cũng không quá nhạt mà hơi ngọt một chút và dậy lên mùi thơm đủ để say lòng thực khách.
Bánh bèo – đặc trưng xứ Huế
Bánh nậm là món bánh mặn được nhiều người yêu thích khi đến Huế. Bánh nậm gồm có 2 loại là bánh mặn nhân tôm thịt và bánh chay nhân nấm, cà rốt.
Để tạo ra những chiếc bánh nậm thơm ngon, người làm dùng bột năng và bột gạo trộn đều, khoấy cùng nước lạnh, dầu cùng ít muối. Đặt nồi lên bếp, khoấy nhanh tay với lửa vừa nhỏ đến khi bột hơi sánh lại thì tắt bếp, tiếp tục khoấy đến khi bột sền sệt là được. Nhân bánh được trộn đều với nhau, thêm một ít muối, đường cho gia vị vừa ngấm rồi xào chín.
Lá dùng để gói bánh là lá chuối hoặc lá dong rửa và lau nước sạch, tước thành từng phần vừa với chiếc bánh sẽ gói. Lấy một miếng lá chuối, thoa lớp dầu bên trong, dùng muỗng múc một muỗng bột trải đều lên trên, tiếp đến là lớp nhân bánh. Bánh sau khi gói lại thì vuốt cho thẳng và dẹp rồi xếp đem đi hấp chín.
Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến bánh bột lọc Huế - món bánh được coi là “gốc gác” của các loại bánh bột lọc khác. Bánh bột lọc ở Huế có 2 loại: bánh bột lọc luộc gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần, nhưng loại nào cũng cầu kỳ trong chế biến để tạo nên hương vị độc đáo trong cái dai giòn và nhân tôm đậm đà, chỉ cần ngửi thôi cũng thấy thèm.
(nguồn: google)
Đăng nhận xét